Khoa học về quản lí cơn giận

01/07/2008 17:48

 

Mọi người đều có thể cảm thấy giận dữ bất cứ khi nào. Đó là một cảm xúc thông thường. Bạn không thể thay đổi một người hay một tình huống làm bạn tức giận, nhưng bạn có thể kiểm soát được cách bạn sẽ phản ứng lại với cơn giận dữ. Quản lý cơn giận thành công là khi bạn có thể kiểm soát và thể hiện sự tức giận của mình theo cách tích cực và hiệu quả sao cho an toàn và thích hợp. Khi có cảm giác tức giận, người lớn và cả trẻ nhỏ đều có rất nhiều cách phản ứng khác nhau. Nhận ra khi nào bạn đang cảm thấy tức giận, cơn giận bắt nguồn từ đâu và làm cách nào để kiểm soát cơn giận là một việc rất quan trọng. Cơn giận được thể hiện một cách “lành mạnh” và được xã hội chấp nhận sẽ tránh làm cho bạn và những người khác bị tổn thương. Bằng cách tập luyện và duy trì thói quen quản lý cơn giận hiệu quả, cha mẹ và người chăm sóc có thể đẩy mạnh việc tạo ra một môi trường yên bình cho trẻ, đồng thời giúp trẻ hiểu và quản lý tốt cơn giận của mình.

NHẬN DẠNG CƠN GIẬN DỮ
Bạn có thể làm “hạ nhiệt” và có thể xử lý cơn giận của mình trước khi mất hết bình tĩnh bằng cách chú ý vào cơ thể và những dấu hiện đang xuất hiện khi bạn tức giận. Một vài dấu hiệu như:
- Tăng cao lượng Arenalin.
- Tim đập nhanh
- Các cơ căng lên
- Đổ mồ hôi tay
- Nóng người
- Cảm giác mắc nghẹn
- Cáu ghắt với người khác

Trẻ em cần được người lớn giúp để hiểu và nhận ra cơn tức giận của trẻ. Một số dấu hiệu cho thấy trẻ đang tức giận hay nản chí:
- Giật/ bứt tóc
- Hai tay nắm chặt lại
- Căng cơ
- Hét lớn hay khóc
- Ném đồ vật xung quanh

NGUY CƠ BÙNG NỔ CƠN GIẬN
Hoàn cảnh và những người xung quanh có thể làm bùng nổ cơn giận trong bạn. Xác định một số “nguyên nhân gây bùng nổ cơn giận” với bạn và trẻ cho phép bạn chuẩn bị cách ứng xử theo hướng tích cực hơn. Nhờ vậy bạn và trẻ có thể sử dụng những kỹ năng quản lý cơn giận đúng lúc. Một số nguy cơ bùng nổ cơn giận:

Đối với người lớn:
- Những hành vi của trẻ (VD: trẻ nói nhiều hoặc làm đổ bể đồ đạc…)
- Những sự việc không mong muốn (VD: trẻ bị bệnh hoặc bạn bị chậm trễ trong công việc…)
- Kẹt xe
- Stress trong những vấn đề cá nhân
- Những sai sót từ phía bạn hay từ người khác
- Stress trong công việc

Với trẻ: (Vì mỗi trẻ đều không giống nhau, nên việc tìm hiểu xem những tình huống, những hoạt động nào thường là nguy cơ gây bùng nổ cơn giận ở trẻ là rất quan trọng)
- Mâu thuẫn với những trẻ khác (VD: trẻ bị trẻ khác giành đồ chơi…)
- Bị trẻ khác từ chối (VD: những trẻ khác không cho trẻ chơi cùng…)
- Bị trẻ khác tấn công, hành hung (VD: bị trẻ khác xô té hay đánh…)
- Trẻ bị bệnh
- Bị quở mắng hay bị phạt
- Khi không đúng ý trẻ

Tức giận vẫn mang một giá trị tích cực. Nếu trẻ cảm thấy tức giận khi bị bạn cùng lớp bắt nạt, đó là cơ hội để bạn chỉ cho trẻ cách thức phản ứng lại một cách tích cực để giải quyết cơn giận của trẻ như đề nghị trẻ thưa với thầy/cô giáo về tình trạng này.

HẠ NHIỆT
Có nhiều cách khác nhau để giúp người lớn và trẻ làm “hạ nhiệt” và xả bỏ cơn tức giận. Đây là những phương thức lành mạnh mà không làm tổn thương người khác:

Với người lớn:
- Thực hiện vài động tác thể dục
- Hít thở sâu
- Khoảng thời gian ngừng (bạn tự tách mình ra khỏi người hoặc môi trường đang làm cho bạn bực bội)
- Chia sẻ cảm xúc của bạn với vợ/chồng, những thành viên trong gia đình hoặc bạn bè
- Viết ra giấy những cảm xúc, hoặc những ý nghĩ mà bạn đang có
- Thể hiện cơn tức giận ra ngoài một cách an toàn (ví dụ: bẻ gãy một cây viết, đập tay vào gối…)
- Đi dạo
- Ngủ hoặc nghỉ ngơi

Với trẻ:
- Hướng dẫn trẻ chia sẻ cảm xúc tức giận với người lớn
- Chơi những trò chơi vận động, những trò chơi ngoài trời (như: rượt bắt, nhảy cao, ném hoặc đánh banh…)
- Chơi chung với nhóm bạn (khi có các bạn ở xung quanh)
- Khoảng thời gian ngừng
- Vẽ
- Viết ra những từ ngữ hoặc những cảm xúc của trẻ
- Ngủ hoặc nghỉ ngơi

THỂ HIỆN CƠN GIẬN
Cơn giận có thể được thể hiện thông qua lời nói. Không bộc lộ cơn giận dữ ra, không có nghĩa là cơn tức giận đó sẽ tự tan biến đi, mà ngược lại còn gây nên nguy cơ làm tích tụ, gia tăng và bùng nổ một cơn tức giận còn lớn hơn ban đầu. Trong một vài trường hợp, cơn tức giận của bạn có thể thuyên giảm sau khi bạn thực hiện những chỉ dẫn ở mục “hạ nhiệt”, nhưng trong một số trường hợp khác, bạn cần phải thể hiện cơn giận của mình để tìm hướng giải quyết cho tình huống mà bạn đang mắc phải.

Với người lớn:
- Nói với người gây nên cơn giận của bạn, kể cả đó là con của bạn nếu chúng đủ lớn để hiểu biết, rằng hành động của họ làm cho bạn tức giận, bạn đang cảm thấy như thế nào, và bạn đang cần điều gì. Bạn cũng cần thực hiện những chỉ dẫn ở mục “hạ nhiệt” trước khi thực hiện điều này.
Nên nhớ cần tập trung vào hành động hay việc gây cho bạn sự tức giận, chứ không tập trung vào người gây cho bạn tức giận (ví dụ: “tôi cảm thấy tức giận khi…” hoặc “ Khi mẹ đi làm về, mẹ rất muốn chơi với con, nhưng mẹ cần có thời gian để thay đồ và nghỉ ngơi một chút..” )
- Viết ra giấy tình trạng mà bạn đang gặp phải để làm “sạch” những suy nghĩ diễn ra trong tâm trí bạn. Nếu tình trạng tức giận của bạn có liên quan đến người nào khác, bạn có thể đề nghị được thảo luận với họ về những gì mà bạn đã viết, hoặc gửi cho họ một lá thư trong đó nói rõ cảm xúc của bạn.
Lưu ý: Thông qua quan sát những gì đã xảy ra, trẻ học tập lại những cách phản ứng của người lớn. Bằng cách có những phản ứng đúng mực, người lớn sẽ có những ảnh hưởng tích cực lên trẻ.

Với trẻ:
- Vì tức giận, trẻ em có thể “ném” sự cáu kỉnh của mình khắp nơi. Cần hướng dẫn, cung cấp những từ ngữ để trẻ biết cách nói ra tại sao trẻ cảm thấy tức giận, nhờ vậy trẻ thể hiện được cơn giận của mình mà không có hành vi chống đối hay gây hấn.
- Nếu trẻ sử dụng sự tức giận, những hành vi gây hấn của mình để đạt được mục đích nào đó, cần thảo luận với trẻ những lựa chọn khác mà trẻ vẫn có thể có được điều trẻ muốn mà không phải thông qua cách giận dữ. Giả bộ tái tạo lại tình huống thường gây cho trẻ tức giận, hướng dẫn và giúp trẻ thực hành việc chọn lựa những cách phản ứng khác tích cực hơn.
- Ghi nhận hoặc khen ngợi để củng cố những hành vi, những phản ứng phù hợp của trẻ.
- Thông qua những thông tin trên phương tiện truyền thông (như truyền hình, báo chí…) để thảo luận với trẻ về những cách thức phản ứng cơn giận dữ một cách phù hợp hay không phù hợp; an toàn hay không an toàn. (Việc này thực hiện có hiệu quả hơn với những trẻ lớn)
- Cần chỉ dẫn trẻ, giúp trẻ hiểu biết đúng về cơn tức giận ngay khi trẻ còn nhỏ. Như vậy, bạn sẽ không phải tìm cách để thay đổi một khi mà cơn tức giận đã trở thành một thói quen tiêu cực của trẻ
Nên nghỉ ngơi và tìm một giấc ngủ nhỏ. Bạn có thể thiếu kiên nhẫn, thiếu bình tĩnh và làm hỏng mọi thứ khi bạn và trẻ không được nghỉ ngơi tốt và không cảm thấy thư thái.

HIỆU QUẢ LÂU DÀI
Khuyến khích trẻ thực hiện từ từ, từng bước một để trẻ có thể nhận ra những lợi ích đem lại từ việc quản lý tốt cơn giận:
- Trẻ trở nên đáng tin cậy hơn
- Lớn lên và trở nên độc lập hơn vì trẻ hiểu được và biết được cách phải lựa chọn phản ứng của mình
- Nâng cao lòng tự tôn của trẻ
- Phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề
- Hiểu và có thể bộc lộ cơn giận một cách lành mạnh cho trẻ và những người xung quanh

CNTL Huỳnh Thị Hoài Như
Dịch từ tài liệu “Managing Anger – your Child and your own” CHILDREN’S HOME SOCIETY OF CALIFORNIA

—————

Back